Bức xúc vì nơi công cộng cấm trẻ em
Hàn Quốc có khoảng 500 địa điểm cấm trẻ em, trong đó có cả những nơi như nhà hàng, bảo tàng, quán cà phê và cơ sở công cộng.
Sau khi sinh con trai năm 2021, nghị sĩ Yong Hye In gặp hội chứng trầm cảm sau sinh. Chồng cô quyết định đưa cả nhà đi dạo để khuây khỏa. Khi định vào quán cà phê gần nhà, họ bị từ chối vì đây là khu vực cấm trẻ em.
Yong khóc khi nghĩ rằng dường như xã hội tẩy chay những người như mình. “Tôi bị tổn thương”, cô nói.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Jeju, Hàn Quốc có khoảng 500 khu vực công cộng cấm trẻ em, không bao gồm những nơi như quán bar hay câu lạc bộ ban đêm.
Trong một phiên họp đầu tháng 5, Yong ôm cậu con trai 23 tháng tuổi đứng trước quốc hội Hàn Quốc thề rằng sẽ nỗ lực hết sức để “tiêu diệt” chính sách cấm trẻ em vô lý này.
Hạn chế trẻ em ở một số nơi công cộng không phải là vấn đề của riêng Hàn Quốc. Chính sách tương tự của các nhà hàng và quán cà phê tại nhiều nước như Mỹ, Anh, Canada và Đức đều dấy lên tranh cãi. Một số hãng hàng không, bao gồm Japan Airlines, Malaysian Airlines, IndiGo có những lựa chọn cho phép khách hàng chọn ghế tránh xa trẻ nhỏ. Vài thư viện và viện bảo tàng cũng quy định độ tuổi được ghé thăm.
Những chính sách như vậy nhận phản ứng trái chiều. Phe ủng hộ cho rằng chủ doanh nghiệp có quyền kiểm soát tại nơi họ kinh doanh. Phe phản đối khẳng định đây là hành động kỳ thị trẻ em và chối bỏ quyền được xuất hiện tại nơi công cộng. Tranh luận còn đặt ra những câu hỏi lớn hơn về nhân khẩu học.
Heike Schanzel, giáo sư ngành du lịch và khách sạn tại Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), nhận xét trẻ em đang bị xem là “lựa chọn phong cách sống” hơn là một phần của xã hội. Những quy định cấm trẻ em làm sự chia rẽ xã hội sâu sắc hơn và cần được xem xét nghiêm túc. “Về lâu dài, nó định hình suy nghĩ rằng trẻ em là một sự phiền phức và khiến ít gia đình mong muốn có con hơn”, giáo sư nói.
Tại Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, điều này càng quan trọng hơn. Nhiều cặp đôi lựa chọn không sinh con vì chi phí nuôi dạy trẻ và nhà ở cao, khan hiếm việc làm, lo lắng về tương lai. Chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi nhưng chưa thể giải quyết được cuộc khủng hoảng dân số.
Nhà tâm lý học Hyeyoung Woo (Đại học Bang Portland, Mỹ) cho biết các khu vực cấm trẻ em xuất hiện ở xứ sở kim chi khoảng một thập kỷ trước. Nguyên nhân là hành vi không phù hợp của cha mẹ như vứt bỉm tại nhà hàng, cho trẻ em nô đùa tự do.
Dù vậy, theo Woo, nó còn phản ánh định kiến dai dẳng về giới tính đối với việc nuôi dạy trẻ em rằng “phụ nữ nên chăm sóc con cái tại nhà”. Hạn chế trẻ em tại các khu vực công cộng làm trầm trọng hơn những thách thức của việc làm cha mẹ và không khuyến khích mọi người sinh con.
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân là xã hội Hàn Quốc ít chấp nhận những người không được xem là bình thường, nên cuộc sống của cha mẹ và con nhỏ cũng như người thiểu số, người khuyết tật trở nên khó khăn hơn.
Song, những doanh nghiệp cấm trẻ em lại phản đối và cho rằng họ đang giúp cha mẹ nghỉ ngơi, thậm chí còn giúp họ quản lý con cái tốt hơn. Quán cà phê Old Barracks Roastery tại Ireland là một ví dụ. Trên website, cửa hàng viết họ hy vọng người lớn sẽ có thời gian cho riêng mình.
Tim Ptak, một chủ nhà hàng tại Seattle (Mỹ), cũng không cho phép trẻ em tới đây. Quyết định của họ nhận được phản ứng tích cực. Ptak còn có một nhà hàng khác nhưng dành cho cả gia đình.
Một số phụ huynh cũng ủng hộ điều đó. Sau khi Nettie’s House of Spaghetti cấm thực khách dưới 10 tuổi vì “trẻ thường tạo ra những hỗn loạn điên rồ”, một bà mẹ đã bày tỏ sự yêu thích của mình và xem nó như một sự giải thoát.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy có những cách quản lý không gian công cộng tốt hơn. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể cấm các hành vi gây ồn ào, khó chịu, theo Giáo sư về trẻ em John Wall của Đại học Rutgers. “Một người lớn say xỉn quát tháo bạn mình ở nhà hàng còn khó chịu hơn một đứa trẻ sơ sinh đang khóc”, ông so sánh. Khi trẻ em trở thành mục tiêu cụ thể, chúng không khác gì “công dân hạng hai, không phù hợp với xã hội”.
Wall và các chuyên gia khác tranh luận, các chính sách như vậy vi phạm luật nhân quyền quốc tế, trong đó cấm phân biệt đối xử dựa trên đặc điểm chung, bao gồm độ tuổi. Chúng không bảo vệ trẻ em mà bảo vệ “quyền lợi của người lớn không muốn dính dáng đến trẻ em”.
Ann Marie Murnaghan, Giáo sư của Đại học York, gọi các khu vực cấm trẻ em là “ví dụ của định kiến chống lại trẻ em, khẳng định 1/3 nhân loại (trẻ em) là vấn đề cho 2/3 còn lại (người lớn)”.
Đối với Amy Conley Wright, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trẻ em và Gia đình tại Đại học Sydney (Australia), khu vực cấm trẻ em phá vỡ hiệp ước liên thế hệ cơ bản, trong đó chúng ta quan tâm đến những người ra đời trước và sau chúng ta. Bà xem đây là các chính sách thiển cận. “Mọi người quên rằng họ cũng từng là trẻ nhỏ. Họ không nghĩ rằng họ từng la hét sao?”, chuyên gia bình luận.
Trong bài phát biểu của mình, nhà lập pháp Yong bày tỏ khó khăn khi phải sinh sống tại các thành phố nơi có những khu vực cấm trẻ em. Cô cho rằng loại bỏ các khu vực cấm trẻ em và tạo ra một xã hội chấp nhận trẻ em hơn sẽ giúp Hàn Quốc vượt qua tỷ lệ sinh ngày càng thấp.
“Cuộc sống khi có con không hề dễ dàng. Dù vậy, chúng ta vẫn phải tái thiết xã hội theo cách để cùng tồn tại với trẻ em”.
Nguồn: VNEXPRESS